Trang chủ/Ngành Nhãn khoa/Quá trình thay đổi các phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ bằng laser từ trước đến nay
Tin tức

Quá trình thay đổi các phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ bằng laser từ trước đến nay

 

Phẫu thuật khúc xạ là phương pháp phổ biến nhằm điều trị các tật khúc xạ, làm giảm sự phụ thuộc vào kính gọng hoặc kính áp tròng. Các nhà khoa học đã nghiên cứu ra rằng, thay đổi độ cong của giác mạc, giúp ánh sáng hội tụ chính xác tại võng mạc sẽ khắc phục được tật khúc xạ của mắt.

Cùng điểm qua các phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ:

Phẫu thuật tật khúc xạ với phương pháp “Cắt lớp sừng quang hoạt PRK”

Thế hệ sơ khai nhất của phẫu thuật khúc xạ bằng tia laser là phương pháp cắt lớp sừng quang hoạt Photorefractive Keratectomy, hay còn được gọi là PRK. Đây là phương pháp phẫu thuật đầu tiên sử dụng Laser Excimer định hình lại bề mặt giác mạc, thay đổi độ cong của giác mạc trung tâm, từ đó điều trị khúc xạ cho bệnh nhân. Vì phương pháp này sử dụng dung dịch cồn để loại bỏ lớp biểu mô giác mạc, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu, cộm xốn từ 1 đến 3 ngày. Để cải tiến phương pháp này, các nhà nghiên cứu đã phát triển phương pháp phẫu thuật “không chạm” – Smart Surface, không tác động trực tiếp lên giác mạc, mà sẽ sử dụng tia laser chiếu trực tiếp lên bề mặt giác mạc, triệt tiêu đồng thời cả biểu mô giác mạc và tạo hình lại bề mặt nhu mô giác mạc, giúp hiệu chỉnh lại độ khúc xạ của mắt. 

Phẫu thuật tật khúc xạ với phương pháp “Tạo vạt” – LASIK

Vì lớp biểu mô ngoài cùng của giác mạc vốn là lớp quan trọng, có khả năng bảo vệ, giữ ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng cho mắt nên nếu mất đi lớp này, giác mạc sẽ trở nên yếu, mắt mất đi lớp bảo vệ và người phẫu thuật sẽ gặp tình trạng khô mắt lâu dài. Chính vì vậy, để khắc phục nhược điểm của thế hệ sơ khai, thế hệ phẫu thuật LASIK đã tiến bộ hơn rất nhiều – khi đã thay đổi cách tiếp cận phần nhu mô bên dưới bằng cách tạo một vạt cắt trên giác mạc bằng dao tự động, với cơ chế bảo tồn lớp biểu mô giác mạc. Trong LASIK, một vạt giác mạc được tạo ra bằng dao vi phẫu microkeratome (LASIK truyền thống) hoặc laser femtosecond (Femtosecond LASIK). Vạt được lật lên và lớp nhu mô phía dưới được tạo hình bởi laser excimer, sau đó vạt được đậy lại mà không cần khâu, tự phục hồi sau 24h. Nhờ biểu mô bề mặt giác mạc trung tâm không bị loại bỏ nên nguy cơ đục giác mạc giảm, hậu phẫu nhẹ nhàng và thời gian phục hồi thị lực ngắn hơn.   

Phẫu thuật tật khúc xạ với phương pháp “Tách phiến nhu mô không tạo vạt”

Thế hệ LASIK tuy không làm mất đi lớp biểu mô giác mạc, song vẫn tạo đường cắt dài khoảng 20mm trên giác mạc, gây tình trạng khô mắt trong khoảng thời gian dài sau mổ, nên thế hệ phẫu thuật sử dụng tia laser hiện đại – phương pháp tách phiến nhu mô giác mạc đã được phát triển và ứng dụng trong ngành nhãn khoa. Khác với cơ chế tạo vạt, tách phiến nhu mô giác mạc tác động tối thiểu tới lớp biểu mô giác mạc trên cùng của mắt, hạn chế sự dịch chuyển của thần kinh giác mạc, bảo tồn hầu như toàn bộ độ bền cơ sinh học của giác mạc. Từ đó giúp độ nhạy giác mạc và màng nước mắt được hồi phục nhanh chóng, hạn chế tình trạng khô mắt.  

Thế hệ hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay của tách phiến nhu mô giác mạc là thế hệ của phương pháp Corneal Lenticule Extraction Advanced Refractive correction, hay còn được gọi là CLEAR. Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm vượt trội khi sử dụng tia laser Femtosecond – công nghệ Laser Ziemer nanoJoule độc quyền trong hệ thống phẫu thuật FEMTO LDV Z8 hoàn toàn không lật giác mạc như kỹ thuật thông thường, vết mổ nhỏ, hạn chế tối đa tác động lên bề mặt giác mạc. 

CLEAR không tạo vạt giác mạc, giúp bảo tồn sự vững chắc cơ sinh học tuyệt đối của giác mạc. Đường mổ nhỏ hạn chế tối đa những tổn thương giác mạc, giảm thiểu tình trạng khô mắt sau mổ, loại bỏ biến chứng do phẫu thuật tạo vạt gây ra, tỉ lệ tái cận rất thấp. Đây là phương pháp đang được giới chuyên môn đánh giá là phương pháp điều trị tật khúc xạ bằng laser hiện đại nhất, có độ chính xác cao, an toàn gần như tuyệt đối, không gây biến chứng và hiệu quả lâu dài, mang lại cho những người có nhu cầu bỏ kính thêm lựa chọn tối ưu.